Đây là ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Tấn Tuân – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa tại cuộc họp với các sở, ban, ngành, địa phương về tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022, diễn ra sáng 3-6. Dự họp còn có ông Lê Hữu Hoàng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.
.JPG)
Ông Nguyễn Tấn Tuân – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh (đứng bên phải) phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.
Tại cuộc họp, sau khi nghe báo cáo và ý kiến của các thành viên dự họp, ông Nguyễn Tấn Tuân biểu dương những đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân chung toàn tỉnh. Đồng thời đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh khẩn trương rà soát, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng, tổ chức tái định cư các dự án để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trong tháng 6, các đơn vị phải quyết tâm thực hiện xong các thủ tục giải ngân, phấn đấu đến ngày 30-9, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của toàn tỉnh đạt trên 60%. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Tấn Tuân cũng yêu cầu các sở, ngành siết chặt công tác quản lý công trình, quản lý quy hoạch đất công; đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án lớn. Các đơn vị không giải ngân được phải nhanh chóng trả vốn để bố trí cho các dự án khác…
.JPG)
Thi công dự án đầu tư công đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2022, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh Khánh Hòa là hơn 3.569 tỷ đồng. UBND tỉnh đã phân bổ kế hoạch vốn 3.519,267 tỷ đồng. Tính đến ngày 31-5, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đạt 18,1% so với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao; đạt 19% so với kế hoạch vốn được UBND tỉnh giao thực tế. Trong đó, giải ngân nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương đạt 18,7%; giải ngân nguồn vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu đạt 28,6%; giải ngân nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đạt 8,5%; giải ngân nguồn vốn đầu tư từ nguồn bội chi đạt 5,8%. Toàn tỉnh có 26 đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung toàn tỉnh; trong đó, 18 đơn vị có tỷ lệ giải ngân 0%. Hiện chỉ có 12 đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân chung. Nguyên nhân giải ngân thấp chủ yếu do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; kế hoạch sử dụng đất ở một số địa phương chưa có nên chậm trong thẩm định giá đất; một số dự án tại Cam Lâm phải ngừng triển khai để rà soát lại quy hoạch theo Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tin và ảnh: BẢO ANH